Về vấn đề cờ — Georg Simmel (1858-1918)

Biểu tình chống Trung Quốc tại Landkreis Harburg, Germany hôm 18/1

Biểu tình chống Trung Quốc tại Landkreis Harburg, Germany hôm 18/1

Trong bài tuần trước tôi đã giới thiệu đến bạn đọc hai góc nhìn xã hội học về vấn đề cờ, theo thuyết biểu-tượng tương-giao và chức năng luận. Bài này sẽ được tiếp tục chủ đề với góc nhìn theo Georg Simmel.

GeorgSimmel[1]

Simmel là một nhà xã hội học người Đức được biết đến nhiều qua những đóng góp về lãnh vực văn hóa và cuộc sống tân thời.  Ông đặc biệt quan tâm tới cấp độ sơ đẳng nhất của các quan hệ xã hội, tức là ông đặt nặng mức quan trọng của mối quan hệ giữa cá nhân và nhóm cá nhân đó là thành viên, và giữa cá nhân và xã hội cá nhân đó đang sinh sống.

Bức hình của cuộc biểu tình bên Đức ở trên cho thấy hình ảnh của một nhóm đang đứng biểu tình, bao gồm nhiều cá nhân với những lá cờ khác nhau như tiềm ẩn sự hiện hữu của một mối quan hệ gắn bó họ, hay nói cách khác, những cá nhân này đang tham dự một hình thức tương tác xã hội. Thực tế rằng đây là một dịp rất hiếm hoi khi lá cờ bay cùng nhau cho thấy sự vắng mặt của các thế lực ngăn cản hiện tượng này xảy ra thường xuyên hơn. Chỉ cần tưởng tượng đến cảnh một đứa trẻ thơ tung tăng trên tay một lá cờ vàng trên đường phố Hà Nội, hoặc vẫy vẫy lá cờ đỏ ở trung tâm thành phố Westminster, tiểu bang California, tưởng tượng đến những gì sẽ xảy ra cho em bé sẽ đưa chúng ta đối diện với các thế lực ấy. Vấn đề ở đây vẫn là sự xung khắc, phát xuất từ ý nghĩa của lá cờ theo cảm nghiệm của từng người, một sự đối lập nhị phân của sự hiệp nhất/bất hòa, hài hòa/xung đột, yêu thích/chán ghét, vv., quan điểm của Simmel liên quan đến sự tìm hiểu của chúng ta vì ông thường tập trung vào khía cạnh mâu thuẫn và những chức năng của nó.

Từ chức năng ở đây không có nghĩa Simmel tán thành thuyết chức năng như Emile Durkheim. Cách tiếp cận chức năng luận của Durkheim trên thực tế thường tập trung vào các nỗ lực để né tránh xung đột, vì ông tin cho đó là tiêu cực và phá hoại kết cấu xã hội. Simmel thì ngược lại, ông bác bỏ ý tưởng cho rằng xã hội có khả năng sinh tồn là do sự hài hòa, thống nhất và cái gọi là ‘giá trị chung’. Điều này có thể đúng trong một số trường hợp, nhưng đối với Simmel, sự tương tác mà ông gọi là ‘sociation’ được đặc trưng bởi cả sự hài hòa và xung khắc, lực hút và lực đẩy, yêu thương và chán ghét. Thực vậy, tính năng tiêu biểu của mối quan hệ giữa người và người là những sự mâu thuẫn, nước đôi sâu sắc, xét trên cấp độ cá nhân cũng như xã hội. Đả thông được những mâu thuẫn, vượt qua được tính nước đôi đó là một việc làm cần thiết để đạt tới điều Simmel gọi là ‘xã hội tính’, khi con người tìm thấy niềm vui và hạnh phúc trong sự tương giao qua lại với nhau.

Thái độ này phân biệt Simmel với các nhà chức năng học có xu hướng coi xung khắc như sự phá hoại, nhưng theo Simmel một nhóm hoàn toàn hài hòa với nhau không thể tồn tại trong thực tế. Một đàng là nhóm ấy sẽ không bao giờ thay đổi và do đó không thể có được bắt cứ biểu hiện nào của tính năng động, của sức sống. Lấy ví dụ, nếu bạn không bao giờ tranh luận hoặc thậm chí không bất đồng với bất cứ ai gần gũi với bạn, điều này có vẻ như một tình hình thật thoải mái, dễ chịu, nhưng theo Simmel bạn sẽ chóng trở nên nhàm chán và vô vọng. Nếu tất cả đều ở trong trạng thái quân bằng thì sẽ không có động lực thúc đẩy chúng ta cố gắng làm những điều gì mới, hoặc thúc đẩy chúng ta ra nghi vấn, hoặc phê phán. Mỗi thế hệ sau đó sẽ vẫn y như thế hệ trước.

Bất cứ mối quan hệ nào cũng tốt hơn so với không có quan hệ gì cả

Thực tại và sự biểu hiện bề ngoài không luôn giống nhau – một mối quan hệ biểu hiện bên ngoài hoàn toàn tiêu cực có thể được chứng minh cho thấy tiềm ẩn những chức năng tích cực, và ngược lại. Trong thực tế, với Simmel, bất cứ mối quan hệ nào cũng tốt hơn so với không có quan hệ gì cả, ngay những mối quan hệ đầy xung đột. Những mối quan hệ này ‘chắp vá’ những mảng kết cấu xã hội theo cách riêng của chúng. Trường hợp duy nhất tiêu cực xảy ra khi có sự né tránh, chạy trốn quan hệ. Ngay cả sẽ tổn thương và đau đớn để tiếp tục điều quan trọng là phải cố gắng vì những xung khắc có thể trở nên những van an toàn cho những suy nghĩ và cảm xúc mà người trong cuộc không có cách nào khác để thể hiện. Ngoài ra, mâu thuẫn cũng có thể được vận dụng để củng cố vị trí và tằng cường lòng tự tin của một hoặc cả hai bên.

Để minh họa điểm này, ta hãy nhớ lại trận hockey vòng bán kết giữa đội Canada và USA tại thế vận hội mùa đông ở Sochi tuần trước. Đội Canada loại đội USA với tỷ số 1-0 để vô vòng chung kết, và đoạt huy chương vàng. Phân tích sự kiện này này Simmel sẽ nói gì? Ông sẽ cho rằng sự xung đột với nhóm khác sẽ có xu hướng củng cố tình đoàn kết của nhóm. Nếu nhóm mình là bên thắng cuộc thì sự tự tin của chính tập thể và mỗi cá nhân sẽ được tăng cường. Vì lẽ đó ta có thể nghĩ rằng đội Canada sẽ thỏa mãn và sung sướng với chiến thắng của họ. Nhưng có một điều khá bất ngờ đã xảy ra đó là cung cách của các cầu thủ khi trận đấu kết thúc, họ ôm và chúc mừng nhau một cách chân thành. Một phần nào đó, hiện tượng này có thể giải thích được vì đa số các cầu thủ của cả hai đội đều chơi chung trong NHL (the National Hockey League) và rất nhiều cầu thủ là đồng đội với nhau, nhưng môn thể thao này không chỉ củng cố mối quan hệ xã hội giữa người Canada với nhau mà còn giữa người Canada và người Mỹ. Ví dụ này cho chúng ta thấy rất khó để phân biệt được thực thể đang trong mâu thuẫn với thực thể đang ở trạng thái đồng thuận hài hòa. Cả hai không phải những thực tại khác biệt nhau, nhưng chỉ là những khía cạnh khác nhau của cùng một thực tế.

Sociation

Trong vấn đề cờ chúng ta có thể thấy sự phản ánh năng động của hiện tượng trên. Khi những người tham gia biểu tình giương cao cả hai lá cờ, vô hình chung họ đã công nhận không chỉ là sự hiện hữu của mối mâu thuẫn mà cả vào tính tạo sinh của những mâu thuẫn trong thực tế, bởi vì những gì đang trong mâu thuẫn cũng có thể trở thành đầu mối của sự hiệp thông.  Về quyết định chọn lá cờ nào, đây hẳn là một quyết định khó khăn và không hề đơn giản, xuất phát từ mối quan hệ ràng buộc của thành viên và nhóm. Đời sống xã hội không thể luôn trong trạng thái cân bằng, cũng như các tác nhân của nó. Chính vì vậy việc quan trọng là nhận ra bản chất vô thường của bất kỳ hiện tượng xã hội nào, để cho phép nó được canh tân, đổi mới. Cho dù họ đã chọn cờ đỏ hoặc cờ vàng họ đều là người Việt, và sự khao khát được phất lá cờ đại diện cho từng cá nhân của nhóm, tức là cả hai cờ, đã cụ thể hóa một kinh nghiệm chung, mà Simmel gọi là “sociation”.

Ý nghĩa của bức hình là một ví dụ tuyệt vời cho khái niệm “sociation” của Simmel bởi vì nó cho thấy các thành viên của hai bên có thể gọi là đối lập có thể vượt qua được những khó khăn và hạn chế áp đặt lên họ do các nhóm mà họ là thành viên, để liên kết với nhau và tạo thành một “thống nhất cao”. Hình thức hiệp nhất cao độ này cho phép những thành viên của nhóm mới này cầm cả cờ đỏ lẫn cờ vàng, gác sang một bên những khác biệt và giao thiệp với nhau như những cá thể độc lập. Đến đây, ta có thể thấy góc nhìn của Simmel đòi hỏi sự nghiên cứu, phân tích sâu hơn về ý nghĩa của hiện tượng và hình thức quan hệ; có thể phải có khả năng phản trực giác để có thể hiểu rõ hơn về đời sống xã hội, cũng như có thể nhận ra rằng trong mỗi cá nhân luôn có sự tranh đấu, xung đột về nhiều phương diện, và họ cần trải nghiệm và giải quyết thỏa đáng để có thể hiệp thông với những người khác trong nhóm, ngoài nhóm, và ngoài xã hội.

Tuần tới tôi sẽ trở lại với quan điểm rút tỉa từ một nhà xã hội học nổi tiếng khác: Max Weber

3 thoughts on “Về vấn đề cờ — Georg Simmel (1858-1918)

  1. Pingback: 20140306. VỀ MỤC TIÊU 20.000 TIẾN SỸ VIỆT NAM ? | Ngothebinh's Blog

  2. Pingback: CHÂU XUÂN NGUYỄN : TIN & BÀI NGÀY 6-3-2014 | Ngoclinhvugia's Blog

  3. Pingback: Đối Thoại Điểm Tin ngày 6 tháng 3 năm 2014 | doithoaionline

Leave a comment